Nghề đẩy côn bắt cá lóc miền Tây

Nghề đẩy côn bắt cá lóc miền Tây

[Cơ Sở LÊ GIA] Nghề đẩy côn bắt cá lóc miền Tây

Làm việc chỉ khoảng 7 – 8 tiếng/ ngày, mỗi người đẩy côn săn cá lóc trong mùa nước lũ ở miền Tây có nguồn thu nhập từ 200.000 - 500.000 đồng mà không phải bỏ nhiều chi phí sắm dụng cụ đánh bắt.

Theo nhiều người có kinh nghiệm đánh bắt thủy sản, đẩy côn là hình thức đánh bắt thủy sản cho thu nhập cao và hiệu quả trong mùa lũ. Côn có nhiều bộ phận hợp thành. Trước khi đẩy, người làm nghề phải bỏ thời gian ráp lại với nhau.

Theo cấu tạo, côn được làm bằng những cọng sắt nhỏ có độ dài 1,5m, được máng vào một sợi dây nilông may dính với nhau, khoảng cách 20 đến 30 cm mỗi cọng, chiều dài luồng côn từ 12 đến 15m được làm bằng tre. Để giữ cho giàn côn vững, cân bằng, người đẩy côn cần phải hàn ống sắt (ống tuýp) theo hình chữ V và một ống nối thẳng đứng để kết nối các bộ phận lại với nhau. Đẩy côn thường bắt đầu vào lúc 6 giờ sáng, còn buổi chiều là khoảng 15 giờ.

Anh Lê Văn Công, có gần 5 năm làm nghề đẩy côn bắt cá lóc ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ cho biết: Nghề này thịnh hành ở đây cách nay hơn 20 năm, nó rất đơn giản, người mới biết vẫn có thể làm nghề được. Mấy năm trước nước lũ cao, cá lóc nhiều nên mỗi ngày bắt vài chục kg cá, năm nay lũ nhỏ, cá ít nên thu nhập còn phần nữa so với các năm trước.

 

Giàn côn bắt cá lóc - LTS
Giàn côn bắt cá lóc. LTS

 

Theo anh Công, làm nghề này phải tinh ý. Vì khi cá lóc chúi sẽ tạo thành một vùng tim (bong bóng nước khi cá chúi) lớn hay nhỏ tùy vào trọng lượng của cá và tùy vào mỗi loài. Lúc này đợi cho lớp tim đó tan hết và có một vài tim khác nổi lên ngay vị trí đó, dùng nơm nơm là cá không chạy đi được, dùng tay bắt cá nằm trên mặt bùn hoặc mò ở dưới lớp bùn để bắt cá.

Cách làm thật đơn giản: lần lượt cho càng côn vào ống tuýp, 2 bó côn được mắc dọc theo tre và buộc lại bằng dây với khoảng cách 2m mỗi mối, tiếp đến lấy một đoạn tre ngắn dựng đứng có “ngàm” để mắc dây kéo luồng côn cao hơn mặt nước. Khi ráp xong giàn công, người đẩy côn chỉ cần dùng cây sào tạo lực đẩy cho xuồng di chuyển, que côn chạm cá, cá tự động chúi xuống bùn và dùng nơm bắt cá.

 

Nghề đẩy côn bắt cá lóc - LTS
Nghề đẩy côn bắt cá lóc rất dễ làm. LTS

 

Thời điểm này đồng còn cạn, gốc rạ lúa dày nên người đẩy ít nhất cũng kiếm được trên 200.000 đồng, còn người đẩy giỏi cũng kiếm được thu nhập từ 500.000 đến 700.000 đồng/ngày. Nghề này rất dễ làm, chỉ cần khoảng 500.000 đồng là có thể sắm đồ đẩy côn. Người làm nghề này phải có sức khỏe và chịu được cái lạnh.

 

Cá lóc đồng - LTS
Cá lóc đồng. LTS

 

Theo nhiều người có kinh nghiệm đẩy côn cho biết, trời dịu mát đẩy côn cá lóc sẽ chúi nhiều hơn và bắt được cá lớn hơn buổi sáng. Khác với các loại hình đánh bắt lưới, xiệt điện, đặt dớn… đẩy côn chỉ bắt những con cá lớn. Cá lóc đẩy côn hiện tại được bán với giá 100.000 đ/kg, cá rô giá 60.000 - 75.000 đ/kg (tùy loại lớn nhỏ).

Thành quả cuối cùng cho người đầy côn là bắt nhiều cá lóc để đem đi bán.

 

Cá lóc đồng - LTS
Cá lóc đồng được đem đi bán. LTS

 

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

0 nhận xét :

Bài viết

Video

 
© Bản quyền thuộc về Cá khô Cà Mau | Cá khô | Cua | Tôm khô | Liên hệ
click top